Tuy chỉ mới được triển khai vào tháng 6-2021, các hoạt động thiện nguyện của du học sinh Việt đã gây quỹ gần 50.000 USD với sự tham gia nhiệt tình từ nhiều tổ chức, cá nhân không chỉ từ Mỹ mà còn ở Canada, Đức, Nhật, Hungary, Úc…
TP.HCM những ngày này đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 vì số lượng ca nhiễm COVID-19 không ngừng tăng cao. Từ lúc biết thông tin trên, nhiều du học sinh (DHS) Việt liên tục dõi theo và gửi gắm về “thành phố không ngủ” rất nhiều sự động viên, hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần.
Từ Washington DC (Mỹ), cô bạn Nguyễn Thị Ngân Hà trải lòng: “Bản thân tôi từng trải qua giai đoạn cao điểm dịch tại Mỹ và liên tục tác nghiệp báo chí ở tâm dịch nên hiểu rõ cảm giác của người dân sống trong mùa dịch căng thẳng thế nào.
Nhưng tôi vững tin vào tình người và sự cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của người dân TP.HCM và các tỉnh thành trong khắp cả nước ở giai đoạn này”.
Lời nhắn nhủ chăm sóc sức khỏe tinh thần
Dù ở xa, Ngân Hà vẫn đều đặn tổng hợp những thông tin hữu ích khác trong mùa dịch cho người dân khắp các vùng miền qua dự án Viet Connect – dự án kết nối các DHS, trí thức trẻ năm châu do Hà khởi xướng.
Bên cạnh đó, bạn cũng tổng hợp kinh nghiệm và trải nghiệm của chính người Việt ở nước ngoài đã và đang bước qua giai đoạn dịch cao điểm để giúp người Việt trong nước giữ tinh thần và bình tĩnh chống dịch.
“Tôi thường xuyên gọi điện hỏi thăm, động viên bạn bè, người thân vì sức khỏe tinh thần đóng vai trò quan trọng trong việc giúp mỗi người có thể nâng cao khả năng chống dịch. Tôi cũng kết hợp với nhiều bạn cùng hỗ trợ, quyên góp, tặng quà đến với người dân VN vào mùa dịch”, Ngân Hà chia sẻ.
Hiện nay, công việc hằng ngày của Ngân Hà là phân tích dữ liệu cho dự án Viện trợ y tế quốc tế của Cơ quan Phát triển quốc tế của Hoa Kỳ. Dự án đã và đang hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế cho nhiều nước (trong đó có Việt Nam) ở khắp các châu lục cùng chống đại dịch và đảm bảo sức khỏe về nhiều mặt cho người dân toàn cầu.
“Đây là cơ hội để tôi có thể phần nào chung tay cùng người dân toàn cầu chống dịch một cách thiết thực”, cô nói.
Trong khi đó, Nguyễn Thanh Tâm (cựu sinh viên ĐH La Trobe, Úc) cho biết cô rất thông cảm với bạn bè, gia đình và những người dân tại TP.HCM khi tiếp tục phải sống trong giãn cách xã hội vì tình hình dịch bệnh căng thẳng. Thanh Tâm nói đây là trải nghiệm không mấy dễ dàng, nhất là với những người trẻ có tính hướng ngoại, quen với việc tương tác xã hội.
“Đây là thời điểm ai cũng phải cố gắng. Thời gian đầu khi “mắc kẹt” trong nhà, tôi cảm thấy bức bách và căng thẳng vô cùng. Dần dà biết rằng nếu cứ khó chịu cũng chẳng làm được gì ngoài tự làm khổ mình, tôi học cách thay đổi, cách nhìn nhận, tìm ra những niềm vui nho nhỏ, bình dị trong thời gian ở nhà, tìm hiểu sâu bên trong bản thân.
Âu đó cũng là một trải nghiệm đáng quý. Tôi mong các bạn trẻ ở TP.HCM cũng thử tìm hiểu giải pháp này để vơi cảm giác bí bách”, Tâm nhắn nhủ.
Vận động chục ngàn liều vắc xin cho quê hương
Không hẹn mà gặp, hội DHS Việt ở nhiều nơi đều vận động các thành viên, tổ chức quen biết để gây quỹ góp vắc xin cho quê nhà nói chung, TP.HCM nói riêng.
“Biến chủng dịch từ Ấn Độ tràn về Việt Nam rồi con” là câu đầu tiên mà mẹ nhắn cho tôi vào một buổi sáng cuối tháng 5-2021. Chắc lâu lắm rồi mẹ mới nói với tôi bằng chất giọng đầy lo âu như vậy dù bà vốn là người điềm tĩnh nhất trong nhà.
Hai mẹ con im lặng nhìn nhau qua màn hình máy tính hồi lâu và đêm đó tôi không ngủ được. Tôi bật khóc và rùng mình khi nhớ lại những khoảnh khắc nước Mỹ hùng mạnh là thế nhưng đã phải chật vật chiến đấu giành giật từng sự sống với COVID-19 như thế nào.
Và tôi biết mình phải chung tay làm điều gì đó để góp phần giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn thử thách này”, bạn Đoàn Thị Minh Phượng (sinh sống tại Mỹ) chia sẻ về lý do trở thành đồng sáng lập dự án Chung tay vì Việt Nam và trưởng nhóm gây quỹ “10.000 vắc xin phòng COVID-19 cho Việt Nam”.
Tuy chỉ mới được triển khai vào tháng 6-2021, các hoạt động trên hiện đã gây quỹ gần 50.000 USD với sự tham gia nhiệt tình từ nhiều tổ chức, cá nhân không chỉ từ Mỹ mà còn ở Canada, Đức, Nhật, Hungary, Úc…
“Chưa bao giờ chúng tôi, những người con đất Việt xa xứ, trở nên gần nhau đến vậy để làm một điều gì đó cho Việt Nam. Mỗi người một tay, người kêu gọi quyên góp trong cộng đồng, người lo cập nhật tình hình ở Việt Nam, người lên tin bài, người theo dõi và cập nhật các khoản tiền gây quỹ… dù ai vốn cũng rất bận rộn.
Và không thể không kể đến những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, dù chưa thật sự sõi tiếng Việt nhưng cũng hăng hái nhắn gửi những thông điệp dễ thương cho chương trình”, Minh Phượng bộc bạch.